Main
Thứ tư, ngày 22/01/2025

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội

Thứ hai, 04/11/2024

Sáng ngày 04/11/2024, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ Tám, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Ảnh: Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu thảo luận tại Hội trường

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội. Nhất là những nỗ lực trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ số 3. Do vậy, kinh tế - xã hội phục hồi rõ nét, đạt mục tiêu tổng quát và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Ước năm 2024 có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt trong đó đạt và vượt toàn bộ chỉ tiêu xã hội. Trong bối cảnh, tình hình hiện nay, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện một 3 nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể:

Một là, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho thúc đẩy tăng trưởng, tập trung vào: (i) quyết liệt ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc (nhất là về pháp lý, định giá đất, tiếp cận vốn,...); (ii) triển khai có hiệu quả Nghị định 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tiến tới luật hóa nội dung này; (iii) sớm ban hành khung pháp lý nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng.

Hai là: Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phục hồi khá tích cực, song sự phục hồi chưa đồng bộ; phát hành riêng lẻ vẫn là phương thức chủ đạo và rủi ro lớn nhất là số lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024 là rất lớn (khoảng 380.000 tỷ đồng). Đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, chuyên nghiệp, bền vững với một số giải pháp trọng tâm như: nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành; bổ sung các chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung. Đồng thời, cần sớm xem xét cấp phép thêm 2 đến 3 công ty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực, khuyến khích cả xếp hạng tín nhiệm quốc tế…; Đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hiện nay cơ bản chỉ có mỗi loại trái phiếu doanh nghiệp, còn trái phiếu xanh, trái phiếu công trình, trái phiếu bền vững, trái phiếu xã hội thì hầu hết chưa được nhắc tới; Hoàn thiện hạ tầng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở dữ liệu về trái phiếu, tài sản đảm bảo…

Ba là: Mặc dù hiện nay chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đã có sự cải thiện khá rõ rệt. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có chất lượng cao vẫn đang là thách thức cho tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế số, tăng cường đổi mới sáng tạo của nước ta hiện nay. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào một số giải pháp: Thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định số 176 của Thủ tướng Chính phủ; Xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới. Hoàn thiện hệ thống chính sách xây dựng, phát triển và quản lý nguồn nhân lực cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội hiện nay; Tập trung các giải pháp về giáo dục và đào tạo để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động trong việc tự đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phát triển nguồn nhân lực theo hướng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động học nghề thông qua định hướng thông tin, cơ chế, chính sách; Khuyến khích phát triển thị trường lao động. Đẩy nhanh tốc độ phát triển thị trường lao động, giới thiệu việc làm. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thị trường lao động... tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa kết quả phát triển nguồn nhân lực với sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực.

Tác giả bài viết: Vân Giang, Phòng Công tác Quốc hội

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 42

Tổng lượt truy cập: 442281