Main
Thứ tư, ngày 22/01/2025

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình thảo luận Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Thứ năm, 31/10/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 31/10/2024, Quốc hội thảo luận tổ về: Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Ảnh: Quang cảnh buổi thảo luận tổ

Dự buổi thảo luận có đồng chí Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Bắc Cạn.

Ảnh: Đồng chí Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu tại thảo luận tổ

Phát biểu ý kiến thảo luận tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, chủ trương thành lập Thành phố Huế trực thuộc trung ương có quá trình chuẩn bị từ rất lâu, quan trọng nhất phải đủ về tiêu chí thành phố trực thuộc trung ương; Thành phố phải là cực tăng trưởng của khu vực, cả nước hiện có 5 thành phố trực thuộc trung ương và tới đây sẽ có thêm Thành phố Huế.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có triển vọng phát triển, “đầu tư thành phố tức là đầu tư cực tăng trưởng của khu vực”. Theo đó, phải có nghiên cứu những cơ chế, chính sách đặc biệt vì thành phố là cực tăng trưởng nên phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, thu chi ngân sách, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Tổng Bí thư, Trung ương đã bàn thảo về vấn đề thành lập Thành phố Huế thuộc trung ương và nhận thấy đủ tiêu chí. Tất nhiên vẫn còn những điểm hạn chế thì Quốc hội đưa ra cùng thảo luận, tháo gỡ. Ví dụ như nếu lên thành phố thì sẽ phải đối mặt và vượt qua những khó khăn nào. Với những địa phương muốn phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Tổng Bí thư lưu ý phải căn cứ vào tiêu chí từ quy hoạch, dân số, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa… đều có quy định.

Ảnh: Đồng chí Đinh Việt Dũng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu tại thảo luận tổ

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Đinh Việt Dũng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tán thành với sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; tán thành việc điều chuyển, bổ sung thêm một số thẩm quyền cho HĐND thành phố để tăng cường năng lực, bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong bối cảnh không tổ chức HĐND quận, phường. Đây cũng là một trong những chủ trương nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Góp ý về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu Đinh Việt Dũng cho rằng: đây là mô hình rất mới và đã được manh nha từ 15 năm nay, bắt đầu từ Kết luận 48-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2009 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và gần đây là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Với mong muốn Huế ngày càng phát triển, đại biểu bày tỏ quan điểm ủng hộ rất cao việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Đồng thời đề xuất nên xây dựng cơ chế đặc thù riêng cho đô thị di sản này nhằm bảo tồn, phục dựng và phát huy những giá trị văn hóa mà lịch sử cha ông ta để lại. Về tên gọi, đại biểu thống nhất việc đặt tên là thành phố Huế trực thuộc trung ương bởi danh xưng này có lịch sử hình thành lâu đời và đã khắc sâu trong tâm thức của người dân Huế nói riêng, người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. “Nói đến Huế, chắc hẳn ai cũng thuộc lòng câu thơ “cả nước yêu thương ôm Huế vào lòng”, hay màu tím huế chẳng hạn… Điều đó cho thấy Huế trở thành thương hiệu của địa phương mang tầm quốc gia, quốc tế”- đại biểu Đinh Việt Dũng nhấn mạnh.

Bày tỏ về những băn khoăn sau khi thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, đại biểu cũng cho rằng cần phải có những cơ chế đặc thù, nhất là cơ chế đặc thù nhằm phát triển các vùng phía Tây của của thành phố Huế tương lai, nếu không các vùng này sẽ dễ bị tụt hậu so với đơn vị hành chính còn lại của thành phố Huế, đặc biệt là đối với các quận bám biển. Đồng thời cần có cơ chế để khai thác và phát huy thế mạnh của khu kinh tế Lăng Cô-Chân Mây, Liên Chiểu…

Tác giả bài viết: Vân Giang, Phòng Công tác Quốc hội

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 38

Tổng lượt truy cập: 442277