Main
Thứ ba, ngày 22/10/2024

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tổ về một số dự án luật, nghị quyết tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Thứ ba, 25/10/2022

Chiều ngày 24/10/2022, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận ở tổ số 13 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ.

Ảnh: Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ

Tham gia ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo, đồng thời tham gia góp ý cụ thể về các Điều 20, Điều 28 và Điều 42. Theo đó, góp ý về quy định hình thức biểu quyết tại kỳ họp. Đại biểu đề nghị nên quy định ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc gì biểu quyết và biểu quyết bằng hình thức nào. Đối với quy định về trang phục đại biểu (Điều 28), ngoài những quy định trang phục của đại biểu tham dự trong ngày khai mạc, bế mạc nên bổ sung quy định về trang phục của các đại biểu tại các phiên họp. Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý cụ thể vào điều 42 của dự thảo.

Ảnh: Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ

Đối với Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đồng tình với quy định về công dân dự thính phiên họp công khai của Quốc hội. Việc để công dân tham dự thính các cuộc họp công khai của Quốc hội cũng cho thấy Quốc hội gần dân hơn và cũng là để người dân thực hiện quyền giám sát trực tiếp của mình đối với hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, theo đại biểu, để công dân thực hiện tốt quyền của mình cần quy định cụ thể hơn theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để công dân dự thính các phiên hợp công khai của Quốc hội và có quy định về việc tiếp nhận các ý kiến đóng góp của công dân với kỳ họp của Quốc hội.

Tham gia thảo luận về Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhất trí với điều chỉnh đối tượng áp dụng như dự thảo, đồng thời tham gia góp ý cụ thể về một số điều luật: (1) Đề nghị Dự thảo luật sửa đổi cần giữ nguyên Điều 6 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 vì quy định này là cần thiết, thể hiện quan điểm của nhà nước đối với công tác quản lý về phòng, chống rửa tiền cũng như sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động phòng, chống rửa tiền. (2) Cần có thêm quy định: đối tượng báo cáo cần báo cáo cho cơ quan chức năng về tổng khối lượng giao dịch của khách hàng và tổng khối lượng giao dịch của người có liên quan của khách hàng khi chúng vượt một mức nào đó trong khoảng thời gian nhất định. Vì theo đại biểu, hiện nay những quy định về giới hạn các giao dịch trong nhận biết khách hàng (Điều 9) vẫn còn chung chung. Trên thực tế, các đối tượng rửa tiền thường chia nhỏ các giao dịch và có thể thực hiện thông qua các tổ chức và cá nhân để tránh các giới hạn báo cáo và tránh sự giám sát.

Ảnh: Đại biểu Mai Khanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu thảo luận tại tổ

Tham gia góp ý về Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Mai Khanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng việc ban hành luật sẽ chi phối rất nhiều đến hoạt động giao dịch kinh tế, tài chính trên môi trường mạng hiện nay và việc sửa đổi luật là cần thiết. Tuy nhiên, cần quy định rõ báo cáo về các giao dịch đáng ngờ; quy định rõ nhận biết khách hàng và xác minh thông tin…

Tác giả bài viết: Phòng TTDN

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 39

Tổng lượt truy cập: 429661