Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý); Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận ở tổ số 13 cùng với các Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ.
Tại tổ thảo luận, các đại biểu ghi nhận và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đồng thời khẳng định, đây là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự đồng hành chủ động, linh hoạt và giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, địa phương; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp…
Ảnh: Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng việc nới lỏng các chính sách tài khóa, quản lý hiệu quả chính sách tài khóa là nguyên nhân quan trọng để giữ vững kinh tế vĩ mô cũng như kích cầu cho các doanh nghiệp phát triển. Tuy vậy, hiện nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức cần giải pháp tháo gỡ, trong đó rủi ro về chứng khoán, về trái phiếu doanh nghiệp, về bất động sản là rất lớn. Đại biểu đề nghị cần phải có chiến lược điều hành ngân sách tài khóa vĩ mô. Chính phủ cần phân cấp thẩm quyền cho địa phương nhiều hơn nữa; cần có chính sách đột phá trong huy động nguồn lực hợp tác công tư. Đồng thời Chính phủ nghiên cứu đẩy nhanh xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ nên có cơ chế, chính sách phù hợp cho những tỉnh tự cân đối ngân sách mà cam kết đảm bảo thực hiện được cải cách tiền lương để địa phương có thêm nguồn lực giải quyết các nhiệm vụ quan trọng như: trả nợ xây dựng cơ bản, đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội…
Liên quan đến chính sách tiền tệ, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đề nghị: Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, có kịch bản cụ thể sát với tình hình diễn biến thế giới và giá cả trong nước để kiểm soát lạm phát. Hệ thống ngân hàng cần theo dõi chặt chẽ tài sản ngân hàng và nợ xấu, cần tăng cường giám sát an toàn và đảm bảo ngân hàng phải tuân thủ đầy đủ các quy định dự phòng và báo cáo nợ xấu thường xuyên. Các cấp, các ngành cần cải thiện khâu thực thi chính sách, nhất là Nghị quyết 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cần phải được thực hiện một cách triệt để.
Tác giả bài viết: Phòng TTDN
Đang truy cập: 42
Hôm nay: 125
Tổng lượt truy cập: 435352