Sáng ngày 06/6/2024, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và bế mạc phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi.
Ảnh: đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa
Mở đầu phiên họp buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tiếp tục thực hiện phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trong đó, trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình về vấn đề liên quan đến vai trò của công nghiệp văn hóa trong phát triển du lịch. Trước đó, chiều ngày 05/6/2024, tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đã nêu vấn đề: Tại Việt Nam, dù phát triển công nghiệp văn hoá còn khá mới mẻ, nhưng sản phẩm từ công nghiệp văn hoá cũng đã ít nhiều tạo nên hiệu ứng du lịch. Rõ ràng phát triển công nghiệp văn hoá là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch. Ở chiều ngược lại, du lịch văn hoá không chỉ là bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp văn hoá mà còn là cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá một cách bền vững. Theo Bộ Trưởng cần thực hiện những giải pháp gì để phát huy vai trò của ngành công nghiêp văn hoá trong mối liên kết với du lịch?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Bộ trưởng khẳng định: Trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2022, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1755/QĐ-TTg năm 2016, đã xác định có 12 ngành công nghiệp văn hoá, trong đó giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp chỉ đạo và quản lý Nhà nước 5 ngành: Quảng cáo, kỹ thuật nhiếp ảnh, triển lãm, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hoá.
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về phát triển công nghiệp văn hóa dưới sự chủ trì của Thủ tướng. Tại hội nghị, Thủ tướng đã kết luận và đưa ra quan điểm: tư duy phải sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa để đột phá phát triển. Với tinh thần đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu Thủ tướng sớm ban hành chỉ thị, hiện đang lấy ý kiến bộ, ngành và địa phương, với tinh thần tập trung phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững. Bộ trưởng khẳng định, đi theo hướng này, chắc chắn công nghiệp văn hóa sẽ có đóng góp vào GDP; hy vọng đến năm 2030, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đội ngũ văn nghệ sỹ, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP như mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Để đạt được mục tiêu này, các giải pháp cần được tiến hành đồng bộ, trong đó du lịch văn hóa được coi là một trong những sản phẩm chiếm tỷ trọng nhiều hơn. Thời gian tới, Bộ tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy hiệu quả ngành công nghiệp quan trọng này.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, phát huy những kết quả đạt được, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực, tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn các nhiệm vụ đã đề ra trong thời gian tới.
Tác giả bài viết: Vân Giang - Phòng CTQH
Đang truy cập: 8
Hôm nay: 91
Tổng lượt truy cập: 435318