Main
Thứ ba, ngày 22/10/2024

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI Ở HĐND HUYỆN KIM SƠN

Thứ sáu, 21/12/2018
Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 ra đời, dành Điều 74 quy định về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Đây là quy định mới, cụ thể hơn hoạt động của Thường trực HĐND so với các quy định trước đây trong Luật Tổ chức HĐND & UBND cũng như Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của UBTV Quốc hội. Theo đó, Thường trực HĐND huyện có trách nhiệm giám sát, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trình HĐND.
Đối với huyện Kim Sơn, thời gian qua, Thường trực HĐND huyện đã tập trung chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động để thực hiện nhiệm vụ giám sát này.
Thường trực HĐND huyện chú trọng việc tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, các vị đại biểu HĐND huyện chủ động liên hệ với cử tri, đặc biệt là cử tri ở đơn vị bầu ra mình, tăng cường đi thực tế để kịp thời nắm bắt được những nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, phát hiện những vấn đề bức xúc, những việc làm có biểu hiện đi ngược lại quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri. Cùng với việc tập hợp kiến nghị của cử tri thông qua các tổ đại biểu, qua việc tiếp xúc cử tri, các đại biểu dành thời gian tham gia giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở những vấn đề chuyên môn được giao phụ trách... Ở HĐND huyện Kim Sơn, nội dung trên là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả hoạt động, trách nhiệm của người đại biểu.
 Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được phân loại, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 207 kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp được báo cáo tại các kỳ họp thường lệ. Các kiến nghị của cử tri trong huyện tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nhân dân; công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai; biện pháp xử lý đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh có biểu hiện gây ô nhiễm môi trường; việc bố trí khu tập kết rác thải, kiểm tra chất lượng nước sạch; việc khơi thông dòng chảy, điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; việc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các hạng mục của các dự án giao thông, thủy lợi trên địa bàn; việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; việc đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn, việc thực hiện quy định về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; việc thực hiện một số cơ chế, chính sách của tỉnh, của huyện về phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội… Các kiến nghị của cử tri đã được gửi tới UBND huyện, Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Công ty cấp thoát nước Ninh Bình, Điện lực Kim Sơn, Trung tâm Viễn thông Kim Sơn, Thường trực HĐND tỉnh để đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền
Để thực hiện nhiệm vụ giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, hàng năm, ngay sau các hội nghị tiếp xúc cử tri và sau các kỳ họp HĐND huyện, Thường trực HĐND huyện lựa chọn những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm để tổ chức khảo sát, kiểm tra thực tế. Giữa hai kỳ họp, Thường trực HĐND huyện chú trọng chỉ đạo việc rà soát các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được trả lời tại kỳ họp trước và các nội dung cử tri có ý kiến từ các kỳ họp trước nữa đã được trả lời nhưng việc giải quyết chưa có kết quả cuối cùng, giao cho các Tổ đại biểu HĐND huyện tổ chức giám sát đối với việc giải quyết các nội dung cử tri trên địa bàn đại biểu trong Tổ ứng cử, đồng thời tổ chức làm việc với UBND huyện, các cơ quan có liên quan để đánh giá kết quả giải quyết. Cùng với việc giám sát các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan cấp huyện, các Tổ đại biểu còn được giao nhiệm vụ khảo sát, đánh giá về việc thực hiện các kiến nghị của cử tri trên địa bàn thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trên, cũng như đánh giá việc chuyển biến của các vấn đề đại biểu HĐND đã chất vấn tại kỳ họp và việc thực hiện các cam kết sau chất vấn. Ngoài ra, Thường trực HĐND huyện đã thành lập một đoàn giám sát chuyên đề tổ chức giám sát nội dung giải quyết kiến nghị của cử tri đối với ngành điện.
Kết quả giám sát cho thấy, UBND huyện và các cơ quan có thẩm quyền đã quan tâm chỉ đạo xem xét, giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Nhận được ý kiến, kiến nghị của cử tri trước các kỳ họp, các ngành đã kịp thời chỉ đạo, giải quyết, nhiều kiến nghị của cử tri đã được giải quyết xong đáp ứng nguyện vọng của cử tri và ngay tại kỳ họp đã có báo cáo trả lời về những vấn đề cử tri kiến nghị, đề ra các giải pháp giải quyết những vấn đề tồn tại, bất cập, vướng mắc. Trong tổng số 133 kiến nghị, gửi đến HĐND huyện thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện từ kỳ họp thứ Hai đến kỳ họp thứ Tư, có 83 kiến nghị đã được chỉ đạo giải quyết xong hoặc trả lời thỏa đáng; 21 kiến nghị đang được các ngành tiếp thu, nghiên cứu giải quyết; 19 kiến nghị được UBND huyện tiếp thu đề nghị cơ quan liên quan có thẩm quyền xem xét giải quyết; 10 kiến nghị đã giải quyết xong phần trách nhiệm cấp huyện tuy nhiên còn phần trách nhiệm của cấp xã chưa thực hiện xong.
Tại kỳ họp, Thường trực HĐND huyện, các đại biểu HĐND huyện phát biểu nhiều ý kiến chất vấn liên quan đến nội dung giải quyết kiến nghị của cử tri và đề nghị UBND huyện và các ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo, tìm giải pháp thực hiện những kiến nghị chưa giải quyết xong, trả lời công khai kết quả giải quyết tại các kỳ họp. Sau kỳ họp, các tổ đại biểu theo dõi việc các cơ quan chức năng giải quyết những kiến nghị của cử tri trên địa bàn, kịp thời có những kiến nghị, phản ánh về Thường trực HĐND huyện. Hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của HĐND huyện đã thực sự có hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao trách nhiệm và phần nào là sức ép đến các cơ quan có thẩm quyền trong việc chú trọng giải quyết kiến nghị của cử tri, giải quyết các vấn đề tồn đọng, phức tạp, tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh mặt tích cực nêu trên, qua giám sát cho thấy: Có kiến nghị của cử tri giải quyết còn chậm, chưa dứt điểm; có những ý kiến có thể chỉ đạo xem xét, giải quyết ngay nhưng vẫn để cử tri phải ý kiến nhiều lần; một số nội dung trả lời còn chưa đi vào trọng tâm ý kiến của cử tri, chưa làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm; có kiến nghị được trả lời đã giải quyết xong nhưng cử tri vẫn tiếp tục có ý kiến… Những tồn tại, hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều kiến nghị của cử tri để giải quyết được phải có nguồn kinh phí lớn trong khi ngân sách địa phương còn khó khăn, chưa có khả năng đáp ứng; nhiều kiến nghị cần có sự phối hợp với các cơ quan, các sở, ngành để giải quyết; việc tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri có việc chưa được quan tâm thực hiện... Kiến nghị của cử tri liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; trong khi đó việc xem xét, giải quyết, trả lời được thực hiện trong một thời gian ngắn nên chất lượng giải quyết, trả lời còn những hạn chế nhất định.
Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu HĐND huyện cần tiếp tục quan tâm nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri, nghiên cứu văn bản trả lời, đánh giá kết quả giải quyết, của cơ quan có thẩm quyền nhất là những nội dung mà việc giải quyết, trả lời chưa đáp ứng yêu cầu, hoặc chưa đúng cam kết; thường trực HĐND tiếp tục chú trọng giám sát việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền về giải pháp, về thời gian cam kết thực hiện đối với từng nội dung kiến nghị cụ thể; công tác công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các báo cáo trả lời kiến nghị của cử tri cần được thực hiện thường xuyên để cử tri và Nhân dân biết, giám sát…
 

Tác giả bài viết: Thường trực HĐND huyện KIm Sơn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 39

Tổng lượt truy cập: 429661