Main
Thứ bảy, ngày 21/12/2024

Chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Thứ ba, 16/11/2021

Trong những năm gần đây, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục đào tạo, đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng trường chuẩn Quốc gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện công tác phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tỉnh Ninh Bình liên tục trong nhóm dẫn đầu cả nước về phổ cập giáo dục và điểm trung bình các môn của kỳ thi THPT Quốc gia, từng bước khẳng định vị thế trong khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Trong tháng 9/2021, thực hiện Chương trình giám sát năm 2021, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Qua giám sát cho thấy, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch đảm bảo các điều kiện triển khai chương trình GDPT mới; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và các cơ sở giáo dục rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư CSVC, bố trí, sắp xếp lại CSVC hiện có phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo đảm đủ phòng học trong các cơ sở giáo dục. Từ năm 2019-2021, toàn tỉnh đã bố trí 1.539.032 triệu đồng để xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa 1.008 phòng học, 357 phòng học bộ môn, 623 phòng chức năng, 751 nhà vệ sinh; chuẩn bị khá tốt các điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy học Chương trình GDPT mới. Đến nay, các trường trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, đồng bộ hóa; nhiều trường học được đầu tư xây dựng hiện đại, khang trang. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt. Năm 2020, tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Hết tháng 8/2021, toàn tỉnh có 443/469 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ 94,5%. Có 140/143 xã, phường, thị trấn; 6 huyện, thành phố có 100% trường mầm non, tiểu học, THCS công lập đạt chuẩn Quốc gia. Hoàn thành xây dựng mới và đưa vào sử dụng trường THPT chuyên Lương Văn Tụy với CSVC đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Trong năm 2020, đã mua sắm, trang bị thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 với số tiền 20.869,6 triệu đồng (đáp ứng 45% nhu cầu); thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 với số tiền 271,9 triệu đồng; thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6, số tiền 2.492,7 triệu đồng cho các trường trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố được bố trí dự toán với tổng kinh phí để mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp 1, 2 và lớp 6 cho các trường học trên địa bàn tỉnh. 100% giáo viên dạy các lớp học Chương trình GDPT mới được tập huấn, bồi dưỡng và hiểu đúng, đủ Chương trình GDPT mới. Sau 1 năm triển khai Chương trình GDPT mới, bước đầu cho thấy kết quả khả quan. Các cháu học sinh lớp 1 nắm chắc kiến thức, kỹ năng đọc, viết, nói, nghe, biết vận dụng kiến thức kỹ năng làm tính vào thực hiện các nội dung bài tập liên quan.

Mặc dù kết quả đạt được ban đầu khả quan, song Đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 như: vấn đề định mức đối với giáo viên tiểu học: Tỉ lệ giáo viên/lớp mới đạt 1,42 chưa đủ để dạy học 2 buổi/ngày. Số học sinh tiểu học tiếp tục tăng theo từng năm học; số lượng giáo viên nghỉ chế độ hàng năm dẫn đến tỉ lệ giáo viên/lớp giảm. Một bộ phận giáo viên còn chậm đổi mới phương pháp; giáo viên tiếng Anh, tin học thực hiện theo chương trình GDPT 2018 ở cấp Tiểu học còn thiếu. Về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học 2 buổi/ngày cũng như thực hiện chương trình GDPT 2018; nhiều nơi còn thiếu phòng học, phòng chức năng, phòng bộ môn để đáp ứng học 2 buổi/ngày; còn tình trạng bố trí phòng chức năng hoặc ngăn lớp, dồn lớp để đủ phòng học; còn một số phòng học xuống cấp, không an toàn. Diện tích phòng học, phòng chức năng nhiều nơi không đảm bảo theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo; công trình vệ sinh của nhiều trường học còn thiếu, xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu của giáo viên và học sinh.

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đã chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan của những hạn chế trong quá trình triển khai Chương trình GDPT năm 2018. Qua giám sát, Đoàn kiến nghị UBND các cấp quan tâm đảm bảo tỷ lệ phân bổ ngân sách tối thiểu cho giáo dục, đào tạo, dạy nghề theo quy định; bố trí kinh phí theo phân cấp để tập trung cải tạo, nâng cấp các công trình trường lớp học xuống cấp, nguy cơ mất an toàn; xây dựng, sửa chữa công trình vệ sinh trong trường học, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của học sinh; tổ chức mua sắm kịp thời trang thiết bị dạy học; rà soát, có giải pháp đảm bảo số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học theo quy định, cơ bản khắc phục tình trạng mất cân đối cơ cấu, chủng loại giáo viên; quan tâm tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nhất là giáo viên môn tin học và các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết mặt bằng cơ sở giáo dục. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, duy tu, bảo dưỡng, chống xuống cấp các công trình trường học; có kế hoạch duy trì trường đạt chuẩn và công nhận lại trường chuẩn trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc dạy và học theo Chương trình GDPT năm 2018.

 

Tác giả bài viết: Trần Thị Thùy Dương - Phó TB VHXH

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 86

Tổng lượt truy cập: 439196