Main
Thứ bảy, ngày 21/12/2024

Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh khảo sát phục vụ phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh về công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh

Thứ sáu, 25/08/2023

Thực hiện Kế hoạch số 07/KH-TTHĐ ngày 27/7/2023 của Thường trực HĐND tỉnh về tổ chức giải trình công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, từ ngày 03/8/2023 đến ngày 18/8/2023 Ban Văn hóa – Xã hội chủ trì, phối hợp với các Ban: Pháp chế, Kinh tế - Ngân sách, Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh, Sở Văn hóa – Thể thao, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tổ chức khảo sát tại 26 di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn các huyện, thành phố.

Ảnh: Ban Văn hóa - Xã hội khảo sát tại chùa Phục Nhạc, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh

Qua khảo sát cho thấy, thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tầng lớp nhân dân quan tâm thực hiện, tham gia tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. UBND tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh; hầu hết các di tích được xếp hạng hiện nay đều có Ban quản lý; tùy từng di tích còn có các tiểu ban, sư trụ trì hoặc thủ từ, doanh nghiệp trực tiếp quản lý, trông coi. Công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích được quan tâm. Các di tích được khoanh vùng bảo vệ và điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ theo quy định. Theo báo cáo của Sở Văn hóa – Thể thao, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 99 di tích được hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp, với tổng kinh phí hơn 132 tỷ đồng. Việc tu bổ, tôn tạo di tích cơ bản tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa và xây dựng. Đa số các di tích sau khi được đầu tư, tu bổ cơ bản đảm bảo tính nguyên gốc, yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, tính bền vững lâu dài, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần bảo tồn di tích và giáo dục truyền thống, lịch sử; quảng bá, thu hút khách tham quan, nghiên cứu, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần trong nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn một số những tồn tại, hạn chế cần tập trung quan tâm thực hiện trong thời gian tới, đó là: Còn nhiều di tích xuống cấp, trong đó có những di tích xuống cấp rất nghiêm trọng, có nguy cơ không bảo tồn được yếu tố gốc nhưng chưa được tu bổ kịp thời hoặc đã hỗ trợ tu bổ song chưa khắc phục được tình trạng xuống cấp; công tác bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng cổ vật, bảo vật, đồ thờ, sắc phong tại di tích bị mai một, mất mát, không còn bản gốc, nhiều bản không có khả năng phục hồi; còn di tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, di tích bị lấn chiếm, xâm phạm; công tác quản lý di tích còn những hạn chế; nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích chưa đáp ứng nhu cầu; việc thực hiện một số dự án tôn tạo, phục hồi di tích còn chậm tiến độ; nhiều di tích lịch sử - văn hóa chưa gắn với phát triển du lịch, chưa khai thác, phát huy đúng mức giá trị của di tích…

Qua khảo sát, Ban Văn hóa – Xã hội tổng hợp các vấn đề liên quan, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 29/8/2023 tại Trụ sở Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Ninh Bình.  

Ảnh: Ban Văn hóa – Xã hội khảo sát tại Đền thôn 5, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh

Ảnh: Ban Văn hóa – Xã hội khảo sát tại chùa Lỗi Sơn, xã Gia Phong, huyện Gia Viễn

 

Tác giả bài viết: Bùi Đào Hồng - Phòng Công tác HĐND

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 90

Tổng lượt truy cập: 439200